Cần nhìn nhận đúng về nhiệt điện than

Tại Hội thảo “Cần có cái nhìn đúng về nhà máy nhiệt điện than”, do Bộ Công Thương, Báo Lao động tổ chức ngày 13/12, tại Hà Nội, các đại biểu đều nhận định, trong bối cảnh áp lực tăng trưởng điện tới năm 2030 vẫn còn rất lớn, các nguồn thủy điện và năng lượng tái tạo chưa đáp ứng được nhu cầu, thì vai trò của nhiệt điện than là nguồn “cứu cánh” để thúc đẩy sự phát triển kinh tế và tạo tiền đề để các nguồn năng lượng tái tạo dần ổn định, đồng thời để cơ quan quản lý kịp thời xây dựng mạng lưới truyền tải đủ năng lực tổng hợp các nguồn cung ứng, nhằm đảm bảo cung cấp điện, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng, cho biết: Trong giai đoạn 2016-2030, dự báo với tốc độ tăn trưởng GDP với kịch bản cơ sở bình quân là 7%/năm, tương ứng tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm toàn quốc ở phương án cơ sở giai đoạn 2016-2020, 2021-2025, 2026-2030 là 10,6%, 8,5% và 7,5%.

Theo Thứ trưởng Cao Quốc Hưng, thủy điện vừa và lớn đã được khai thác hết, tổng công suất đưa vào cân đối khoảng 20.000 MW, điện sản xuất trên 70 tỷ kWh. Từ sau năm 2020 sẽ tiếp tục phát triển và khai thác các dự án thủy điện nhỏ, ít tác động đến môi trường.

Nguồn than, theo Quy hoạch ngành than, tổng nguồn than trong nước cho điện có thể đưa vào cân đối trong dài hạn khoảng 45-50 triệu tấn, đủ cấp cho khoảng 15.000 MW, với sản lượng điện trên 88 tỷ kWh/năm. Từ năm 2015-2016, đã phải nhập than cho sản xuất điện, dự kiến lượng than nhập đến khoảng 85 triệu tấn vào năm 2030.

Nguồn khí, sau năm 2020, dự kiến sẽ nhập khẩu LNG để bổ sung khí cho các nhà máy tua bin khí cụm Phú Mỹ, Bà Rịa, Nhơn Trạch khi khí từ mỏ Nam Côn Sơn suy giảm. Các nguồn khí mỏ Lô B dự kiến được khai thác vào năm 2020, nguồn khí mỏ Cá Voi Xanh, dự kiến khai thác năm 2030, có thể kéo dài đến năm 2045-2048. Tổng công suất nhiệt điện khí (dùng khí đốt trong nước) đưa vào cân đối trong dài hạn chỉ dừng ở mức trên 12.000 MW, với sản lượng điện khoảng 63 tỷ kWh/ năm.

Nguồn năng lượng tái tạo (thủy điện nhỏ, điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối) đạt khoảng 27.200 MW, với tỷ trọng 21% vào năm 2030.

Trên cơ sở cân đối nhu cầu điện và tiềm năng năng lượng sơ cấp trong giai đoạn này, Quy hoạch điện VII (điều chỉnh) đã được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 428/QĐ-TTg, ngày 18/3/2016). Theo đó, dự báo nhu cầu điện thương phẩm các năm 2020, 2025, 2030 tương ứng là 235 tỷ kWh, 352 tỷ kWh và 506 tỷ kWh.

Theo Quy hoạch điện VII (điều chỉnh), đến năm 2020 tổng công suất nhiệt điện than khoảng 26.000 MW, chiếm 49,3% điện sản xuất; năm 2025 đạt khoảng 47.600 MW, chiếm 55% điện sản xuất; năm 2030 đạt 55.300 MW chiếm 53,2% điện sản xuất.

Thứ trưởng Cao Quốc Hưng, cho biết, sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết dừng điện hạt nhân, Chính phủ đã báo cáo và triển khai phương án phát triển nguồn năng lượng thay thế điện hạt nhân để đảm bảo an ninh năng lượng “Giai đoạn năm 2020 - 2030 sẽ bổ sung khoảng 6.000 MW nhiệt điện LNG nhập khẩu đủ năng lực để thay thế 4.600 MW điện hạt nhân về sản lượng điện cho hệ thống…”.

“Như vậy, hiện tại và trong giai đoạn phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035, nhiệt điện than sẽ đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia” - Thứ trưởng Cao Quốc Hưng khẳng định.

Thực hiện nhiệm vụ của Chính phủ, Bộ Công Thương đang khẩn trương hoàn thiện thẩm định Đề án quy hoạch phát triển năng lượng quốc gia giai đoạn 2016-2025, tầm nhìn 2035 và lập Tổng sơ đồ phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn tới 2050 (tổng sơ đồ điện 8) để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Phát triển nhiệt điện than trong giai đoạn tới với một tỷ lệ thích hợp là giải pháp quan trọng nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Để phát triển nhiệt điện than, cần ưu tiên lựa chọn các công nghệ tiên tiến, hiện đại, có các thông số hơi, trên siêu tới hạn và trên siêu tới hạn để nâng cao hiệu suất các tổ máy, giảm tiêu tụ nhiên liệu và giảm phát thải ra môi trường.

Đồng thời, phát triển nhiệt điện than phải đi đôi với bảo vệ môi trường. Đối với các dự án xây mới, cũng như các nhà máy đang vận hành, sẽ tăng cường kiểm tra giám sát, thực hiện đầy đủ các quy trình vận hành, tăng cường các giải pháp sử dụng tro, xỉ thạch cao để sản xuất vật liệu xây dựng không nung, san lấp công trình xây dựng… nhằm đáp ứng các quy định về phát thải của Việt Nam và quốc tế.

Ông Lê Văn Lực - Phó cục trưởng Cục điện lực và Năng lượng tái tạo khẳng định: Trong tương lai gần, từ nay đến năm 2030 và những năm sau đó, nhiệt điện than vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu nguồn điện, mới đảm bảo cung cấp đủ điện, với giá hợp lý cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Đánh giá về vai trò của các nguồn năng lượng điện trong tương lai, PGS, TS. Trương Duy Nghĩa - Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật nhiệt Việt Nam cho rằng, tương lai của các nguồn năng lượng tái tạo ở Việt Nam rất rộng mở, song nếu xét trên thực tế thì Việt Nam đang ở giai đoạn 2 về phát triển điện năng, nhu cầu dùng điện tăng cao, ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế. Nhiệt điện than vẫn là nguồn phát điện hợp lý nhất, hiệu quả nhất để đáp ứng nhu cầu điện năng rất lớn của đất nước.

Theo PGS, TS. Trương Duy Nghĩa, trên thế giới, nhiều nước vẫn sử dụng nhiệt điện than. Cụ thể, trên thế giới đã thành lập câu lạc bộ 20 nước đoạn tuyệt với nhiệt điện than. Tuy nhiên, đó là những nước mà tỷ lệ nhiệt điện than rất nhỏ và đã có nguồn năng lượng khác dồi dào hơn, đã ở giai đoạn bão hòa về nhu cầu điện. Ví dụ: nhiệt điện than ở Thụy Điển (1%); Pháp (3,1%). Trong đó, các nước lớn như Thụy Sỹ, Áo có nguồn thủy điện lớn.

Đặc biệt, nhiều quốc gia phát triển và cả đang phát triển có nhiều nhà máy nhiệt điện than như: Đức, Australia, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ba Lan, Trung Quốc đều không thấy tuyên bố đoạn tuyệt với nhiệt điện than.


  • Theo Năng lượng Việt Nam