Từ áp lực thiếu điện
Để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế, đến hết năm 2020, tổng công suất các nhà máy điện đạt khoảng 60.000 MW, đến năm 2025 con số này tương ứng là 96.500 MW và đạt 129.500 MW vào năm 2030.
Theo đó, trong giai đoạn 2016 - 2020, cần phải đưa vào vận hành tổng cộng 21.651 MW, bao gồm các dự án thủy điện là 4.084 MW (chiếm 18,86%), các dự án năng lượng tái tạo là 3.722 MW (chiếm 17,19%); các dự án nhiệt điện là 13.845 MW (chiếm 63,95%). Trong đó công suất nhiệt điện than tăng tư 33,4% lên 42,7% tổng công suất nguồn.
Tuy nhiên theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phát triển điện lực, năm 2019, tình hình thực hiện 62 dự án có công suất trên 200 MW thì chỉ có 15 dự án đạt tiến độ, còn lại 47 dự án chậm tiến độ, hoặc chưa xác định tiến độ so với tiến độ nêu trong Quy hoạch điện VII (điều chỉnh). Hầu hết là dự án nhiệt điện tại miền Nam, trong đó có 9 dự án của EVN, 8 dự án của PVN, 4 dự án của TKV, 19 dự án BOT và 7 dự án IPP.
Nếu như năm 2015 - 2016, hệ thống điện dự phòng đạt khoảng 20-30% thì đến 2018-2019, hầu như không còn dự phòng. Sang năm 2020, kế hoạch vận hành hệ thống điện đã được phê duyệt có một số điểm đáng quan ngại, cụ thể: Sản lượng thủy điện dự kiến huy động thấp hơn 2,67 tỷ kWh do lưu lượng nước về các hồ thủy điện thấp hơn tần suất 65%; sản lượng khí cung cấp cho phát điện tiếp tục giảm; sản lượng điện huy động từ các nguồn khí dự kiến thấp hơn 408 triệu kWh so kế hoạch…
Trong khi đó, tổng công suất nguồn điện mới dự kiến đi vào vận hành trong năm 2020 chỉ đạt 4.329 MW, bao gồm: Nhiệt điện BOT Hải Dương (1.200 MW); thủy điện 1.138 MW; điện gió 118 MW; điện mặt trời 1.873 MW.
Trước áp lực thiếu điện, EVN đã đưa ra các giải pháp như: Huy động tối đa liên tục các nhà máy nhiệt điện than, khí trong mùa khô, dự kiến huy động 3,15 tỷ kWh cho mùa khô từ các nhà máy nhiệt điện chạy dầu, với giá thành cao và dự kiến nguồn nhiệt điện than phải huy động từ 6.700 đến 7.000 giờ/năm, với sản lượng 13,1 tỷ kWh cao hơn 1.9 tỷ kWh so với phương án cơ sở.
Đến giải pháp đồng bộ từ EVN
Để đảm bảo nguồn điện phục vụ phát triển kinh tế, EVN phải tập chung vào giải quyết các vấn đề:
Thứ nhất, đảm bảo nguồn nhiên liệu: Thực trạng ngành than trong nước không sản xuất đủ để phục vụ nhu cầu cho các nhà máy nhiệt điện bắt đầu từ mùa khô năm 2019, khi mà tổng khối lượng than sản xuất trong nước của Tổng Công ty Than Đông Bắc và TKV khoảng 36 triệu tấn, chỉ đủ đáp ứng 80% nhu cầu sản xuất cho các nhà máy nhiệt điện.
Năm 2020 được tính toán ở mức 67 triệu tấn, nhưng tổng sản lượng than khai thác của Tổng công ty (TCT) Ðông Bắc và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) chỉ đáp ứng được một nửa, tức là khoảng 34 - 36 triệu tấn. Dự kiến Việt Nam sẽ thiếu hụt hơn 30 triệu tấn than cho sản xuất điện.
Ðể giải nút thắt, EVN đã chỉ đạo các Tổng công ty Phát điện, các nhà máy nhiệt điện thực hiện mua than nhập khẩu thông qua đấu thầu quốc tế với các hình thức hợp đồng ngắn hạn, trung hạn để cùng một thời điểm, có nhiều nhà cung cấp than cho 1 nhà máy điện.
Ðồng thời, yêu cầu các đơn vị chủ động cung cấp, nhập khẩu than cho phát điện theo kế hoạch trong mùa khô và cả năm; khối lượng dự phòng phải đảm bảo vận hành ít nhất trong 10 ngày. Ðối với TKV và Tổng Công ty Than Ðông Bắc, các đơn vị của EVN bàn bạc, thống nhất ký kết hợp đồng cung cấp than dài hạn.
Bên cạnh đó, chất lượng than cũng là yếu tố quan trọng. Thực tế cho thấy, các đối tác TKV, Tổng Công ty Than Ðông Bắc cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện của EVN chủ yếu là loại than trộn. Trong khi đó, hầu hết các nhà máy của EVN được thiết kế vận hành với tiêu chuẩn than Antraxit. Việc thay đổi chất lượng nguồn nhiên liệu kéo theo các vấn đề trong vận hành tin cậy các tổ máy. Ðể giải quyết vấn đề này, EVN đã làm việc với TKV, Tổng Công ty Than Ðông Bắc yêu cầu đảm bảo các tiêu chuẩn cung cấp than từ phía người bán, hướng tới mục tiêu chung đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Thứ hai, đảm bảo độ tin cậy của các tổ máy: Để đảm bảo vận hành hơn 7.000 giờ (Tmax/năm), các nhà máy nhiệt điện phải đảm bảo độ sẵn sàng, hệ số khả dụng của các tổ máy đạt trên 97%. Tuy nhiên, thực tế, do một số nhà máy điện thiết bị đã cũ, hoặc có nhà máy mới, nhưng thiết bị lại vận hành chưa ổn định.
Theo đó, EVN đã làm việc với từng nhà máy, kiểm tra thực tế vận hành và có các chỉ đạo cụ thể, sát sao. Các nhà máy điện được yêu cầu tập trung giảm sự cố, đặc biệt không để xảy ra tình trạng sự cố lặp lại, hay sự cố lớn phải dừng máy. Tập đoàn cũng đã chỉ đạo thành lập kịp thời các Tổ hiệu chỉnh tại mỗi nhà máy, thực hiện nhiệm vụ giám sát chế độ, tình hình vận hành; kiểm soát chất lượng than đầu vào, từ đó có các điều chỉnh kịp thời trong sản xuất điện, không để xảy ra sự cố.
Thứ ba, đẩy mạnh tuyên truyền tiết kiệm điện: Nhằm triển khai thực hiện Chỉ thị số 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2020-2025, Bộ Công Thương và EVN sẽ phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch và các giải pháp thực hiện.
Đồng thời xây dựng kế hoạch hành động và hướng dẫn thực hiện Chỉ thị này để các bộ, ngành, UBND các địa phương thực hiện; xây dựng phương pháp đánh giá tiết kiệm điện; đẩy mạnh kiểm tra, giám sát công tác tiết kiệm điện.
EVN cũng đã đề xuất các giải pháp để triển khai hiệu quả chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể, Tập đoàn sẽ thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Bộ Công Thương; có văn bản hướng dẫn các đơn vị trực thuộc triển khai.
Cùng với đó Tập đoàn sẽ tuyên truyền sâu rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng, website, mạng xã hội về các chương trình sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả. Đồng thời phối hợp với Bộ Công Thương, UBND tỉnh, thành phố, đơn vị tư vấn xây dựng phương pháp đo lường, đánh giá chỉ tiêu tiết kiệm điện của tỉnh, thành phố và cả nước.
Giải pháp của Công ty Nhiệt điện Mông Dương
Năm 2019, Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương 1 tiêu thụ hơn 3,6 triệu tấn than, phát lên lưới điện quốc gia hơn 6,4 tỷ kWh, chiếm 5,4% tổng sản lượng các nhà máy nhiệt điện than.
Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương 1.
Năm 2020, trước những áp lực về việc tăng cường năng lực phát điện trong thị trường điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, Công ty Nhiệt điện Mông Dương đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, vận hành an toàn sản xuất, hướng đến phát triển bền vững.
Cụ thể, về nguồn nhiên liệu phục vụ sản xuất, ngoài hợp đồng mua bán than với Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Nhiệt điện Mông Dương đã chủ động đề xuất ký thêm hợp đồng cung cấp than đối với Tổng Công ty Than Đông Bắc, với khối lượng hơn 400.000 tấn cho năm 2020. Đảm bảo đáp ứng được nhu cầu về nhiên liệu của nhà máy.
Về các giải pháp nâng cao độ tin cậy của tổ máy, Công ty Nhiệt điện Mông Dương đã phối hợp cùng Công ty Dịch vụ Sửa chữa Các Nhà máy điện EVNGENCO3 (EPS) thường xuyên tiến hành kiểm tra tình hình vận hành của các thiết bị; đưa ra các phương án sửa chữa, khắc phục khi xảy ra sự cố để đưa tổ máy vận hành bình thường.
Ngoài ra, Công ty thường xuyên tổ chức đào tạo, nâng cao tay nghề cho đội ngũ cán bộ công nhân viên vận hành thiết bị. Khuyến khích người lao động đưa ra các sáng kiến, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, Công ty còn chú trọng đến công tác thực hiện văn hóa doanh nghiệp. Hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, Công ty luôn lấy hệ thống giá trị cốt lõi làm chuẩn mực để xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Xây dựng niềm tin bằng chất lượng vận hành, sự trung thực và tinh thần trách nhiệm trong hành động; luôn cố gắng thể hiện thái độ nghiêm túc, hết lòng trong công việc.
Tinh thần hợp tác cùng phát triển, sự gắn bó giữa cán bộ công nhân viên với Công ty và sự đoàn kết, chia sẻ giữa các cán bộ công nhân viên chính là đòn bẩy để giúp hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao./.