Tham dự Hội nghị có ông Tsuchiya Takehiro - Tham tán Thương mại, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam; ông Toshiyuki Oda - Giám đốc bộ phận Chiến lược công nghệ JCOAL, cùng đại diện một số doanh nghiệp, tổ chức như Viện nghiên cứu than Idemitsu, Điện lực TEPCO F&B, JPOWER…
Về phía EVN có Phó Tổng giám đốc EVN - ông Nguyễn Tài Anh, cùng lãnh đạo các Ban chuyên môn và đại diện các tổng công ty Phát điện 1, 3.
Thông tin từ JCOAL, tại Nhật Bản, tro than nhiệt điện kể từ khi được phép thương mại hóa vào đầu thập niên 50 của thế kỷ XX, đã nhanh chóng được sử dụng rộng rãi.
Năm 2016, sản lượng tro than nhiệt điện ở quốc gia này khoảng 12,35 triệu tấn và lượng sử dụng hữu ích đạt 12,25 triệu tấn, tương đương 99,3%. Đây là một trong những quốc gia có tỷ lệ sử dụng tro nhiệt điện cao nhất thế giới.
Cụ thể, tro than được sử dụng chủ yếu làm nguyên liệu thô xi măng, phụ gia trộn xi măng, phụ gia điều hòa bê tông. Trong đó, riêng sản lượng tro than dùng làm vật liệu thô xi măng đã chiếm tỷ trọng khoảng 68% tổng lượng tro tại Nhật Bản.
Ngoài ra, tro than nhiệt điện cũng được sử dụng trong lĩnh vực kỹ thuật xây dựng (làm vật liệu nền đường, vật liệu san lấp…) hay ứng dụng trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản (làm phân bón, cải tạo đất, làm bãi cá nhân tạo, làm kết cấu nhân tạo để tạo luồng nước…).
Hội nghị Tổ công tác về năng lượng than Nhật Bản - Việt Nam lần thứ 2
Chia sẻ thông tin tại Hội nghị, đại diện EVN cho biết, hiện nay, khối lượng tro, xỉ thải ra từ các nhà máy nhiệt điện than của EVN khoảng 8,1 triệu tấn/ năm. Trong đó, tại các nhà máy nhiệt điện than khu vực phía Bắc, tình hình tiêu thụ tro, xỉ tương đối tốt. Hầu hết các nhà máy đã ký hợp đồng với các đối tác bao tiêu.
Còn tại phía Nam, các nhà máy nhiệt điện như Duyên Hải 1, Duyên Hải 3, Vĩnh Tân 2,… dù đã ký hợp đồng với các đối tác bao tiêu toàn bộ lượng tro xỉ, nhưng vẫn chưa tiêu thụ được nhiều. Nguyên nhân là do người dân miền Nam chưa có thói quen sử dụng vật liệu xây dựng từ tro, xỉ. Đồng thời, các nhà máy ở xa thị trường tiêu thụ, dẫn đến cước phí vận chuyển cao, làm giảm tính cạnh tranh so với các vật liệu xây dựng truyền thống.
Tro, xỉ từ các nhà máy nhiệt điện của EVN đều là chất thải rắn công nghiệp thông thường, được phép tái sử dụng phục vụ cho mục đích xây dựng. Đối với tro, xỉ than nội địa, cần phải tinh lọc để giảm hàm lượng carbon xuống <6% mới có thể sử dụng làm phụ gia xi măng.
Hiện, EVN đã chủ động xây dựng hồ sơ mời xử lý tro, xỉ của các nhà máy nhiệt điện trong dài hạn, với mục tiêu lựa chọn được các đối tác có đủ năng lực, có giải pháp khả thi, sẵn sàng hợp tác với các nhà máy điện để tiêu thụ tro, xỉ lâu dài.
Xe bồn thu mua tro bay tại xi-lô của Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1
Trao đổi tại Hội thảo, đại diện JCOAL cho rằng, để tăng khả năng tiêu thụ hữu ích tro, xỉ than tại Việt Nam, cần thiết phải có sự hỗ trợ từ phía Nhà nước để xây dựng khung pháp lý về tiêu chuẩn và tiêu thụ tro than. Đồng thời, chỉ đạo, khuyến khích các ngành công nghiệp sử dụng tro than (ví dụ ngành xi măng) và các đơn vị liên quan cùng thống nhất trong việc tăng cường tiêu thụ nguồn nguyên liệu này.
JCOAL cũng tư vấn EVN nên sử dụng các giải pháp cải thiện vận hành lò hơi, điều chỉnh chế độ cháy, đốt lại tro,… để giảm thành phần carbon chưa cháy hết trong tro than xuống thấp hơn (mức tham khảo của JPOWER khoảng 5%), phù hợp làm phụ gia trộn xi măng.
Tại Hội nghị, các bên còn trao đổi về các chủ đề khác như: Phương pháp khử khí Sox tại các nhà máy nhiệt điện; công tác nhập khẩu than và phương pháp trộn than…
Đây là Hội nghị thứ hai được tổ chức trong năm 2018 của Tổ công tác về năng lượng than Nhật Bản - Việt Nam. Tại hội nghị trước đó, Tổ công tác đã trao đổi về các công nghệ hiệu suất cao và bảo vệ môi trường của các nhà máy nhiệt điện.