GS -TS Trương Duy Nghĩa: Không thể coi tro xỉ nhiệt điện là chất thải nguy hại!

“Nhiều nước tiên tiến ở châu Âu còn phải nhập tro xỉ về làm vật liệu xây dựng (VLXD) hoặc làm nền đường, còn Việt Nam dường như vẫn lảng tránh tro xỉ”. Đó là ý kiến của PGS.TS Trương Duy Nghĩa - Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật Nhiệt Việt Nam khi trao đổi với Tạp chí Điện lực.

PV: Thưa PGS, hàng năm các nhà máy nhiệt điện than tại Việt Nam thải ra bao nhiêu tấn tro xỉ?

PGS.TS Trương Duy Nghĩa: Tổng lượng tro xỉ từ các nhà máy nhiệt điện than hiện nay khoảng 12 triệu tấn/năm. Theo Quy hoạch điện VII hiệu chỉnh, đến năm 2030, lượng tro xỉ sẽ đạt khoảng 20 triệu tấn/năm.

PV: Nhiều ý kiến cho rằng, tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện là chất nguy hại, PGS đánh giá thế nào về vấn đề này?

PGS.TS Trương Duy Nghĩa: Tôi đã có nhiều bài báo khoa học cũng như ý kiến phát biểu tại các diễn đàn và khẳng định, tro xỉ nhiệt điện than không phải chất nguy hại. Có thông tin cho rằng, nhiệt điện than tạo ra hàng loạt kim loại nặng độc hại như thủy ngân, selen, arsen, chì, cadimi... Qua kiểm nghiệm thực tế, so với quy định của QCVN 07:2009/BTNMT, nồng độ các nguyên tố kim loại nặng có trong tro xỉ nhỏ hơn từ vài chục lần tới mấy nghìn lần mức cho phép. Thậm chí, nồng độ này trong tro xỉ còn thấp hơn nồng độ trong cơ thể động vật. Như vậy, có điều gì phải lo ngại?

PGS.TS Trương Duy Nghĩa

Trong bất kỳ một cơ thể sống nào cũng như vật chất vô cơ, từ nắm đất đến cây cối và cơ thể người, động vật,… đều có hóa chất kim loại nặng, trong đó nhiều nguyên tố kim loại nặng trở thành vi chất cần thiết của cơ thể, không độc hại. Ví dụ, trong cơ thể người chúng ta cũng có sắt – nếu không có sắt sao có máu đỏ? Trong sinh vật khác không thiếu gì đồng, chính là máu xanh. Hay kẽm trong cơ thể người giúp tăng cường khả năng đàn ông… Đó là kim loại nặng, nếu nói là có hại cho sức khỏe thì không đúng và không có cơ sở khoa học. 

PV: Hiện nay, nhiều bãi tro, xỉ ở Việt Nam đã đầy hoặc gần đầy. Vậy theo PGS, cần xử lý lượng tro, xỉ này như thế nào?

PGS.TS Trương Duy Nghĩa: Theo tính toán, 10 triệu tấn tro xỉ mỗi năm sẽ làm được 5 tỷ viên gạch đặc theo kích thước chuẩn, hoặc 10 tỷ viên gạch rỗng. Đến năm 2030, Việt Nam cần 40 tỷ viên gạch không nung, nhưng khả năng đáp ứng chỉ được 10-20 tỷ viên. Trong than nội địa có nhiều tro và có than chưa cháy hết, chiếm 15% lượng tro, xỉ. Loại này không làm vật liệu xây dựng được, nhưng có thể khử cacbon để làm than tổ ong. Ngoài ra, tro bay có thể làm phụ gia xi măng. Nếu tất cả doanh nghiệp VLXD cùng vào cuộc, biến tro xỉ thành sản phẩm có ích, chúng ta không cần bận tâm đến tro, xỉ nữa. Bên cạnh đó, do than nhập khẩu gần như đốt cháy kiệt, thải ra rất ít tro, nên nếu đến năm 2030, lượng than nhập khẩu tăng lên và chiếm ¾ than cho sản xuất điện thì nhiều nhà máy cũng gần như không có bãi tro. 

PV: Có ý kiến cho rằng, tro xỉ nhiệt điện than không thể dùng làm vật liệu san lấp?

PGS.TS Trương Duy Nghĩa: Tôi xin khẳng định lại, tro xỉ không phải chất nguy hại mà là tài nguyên, nếu sử dụng tro xỉ làm đường giao thông như gia cố nền (lâu nay làm bằng cát) dưới dạng bê tông đầm lăn sẽ rất tốt, giảm lượng đá cũng như khai thác cát từ các sông gây sạt lở bờ sông và lãng phí tài nguyên quốc gia. Tôi cho rằng, đây lỗi của ngành Giao thông, khi không biết tận dụng vật liệu rẻ, tốt như vậy mà dùng cát rất đắt. Tôi đã có ý kiến trong một diễn đàn rằng, làm đường cao tốc đoạn Phan Thiết - Nha Trang, nên sử dụng tro xỉ của Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân sẽ rất tốt và tiết kiệm rất nhiều chi phí.

Hiện nay, bãi chứa tro xỉ ở một số nhà máy chỉ được sử dụng trong 2 năm, một số bãi đã gần đầy, theo tôi Chính phủ cần có quy định “cứng” để các ngành Giao thông, Xây dựng sử dụng tro xỉ làm vật liệu san lấp tái sử dựng chứ không phải kêu gọi, hô hào như hiện nay nữa.

PV: Trên thế giới, các nước sử dụng tro xỉ nhiệt điện than như thế nào, thưa PGS?

PGS.TS Trương Duy Nghĩa: Nước Anh hàng năm nhập khẩu hàng triệu tấn tro xỉ về làm VLXD. Tại Trung Quốc, nhiệt điện than chiếm 79% công suất đặt hệ thống (nhiều hơn công suất điện của cả nước Mỹ) với lượng tro xỉ khổng lồ lên đến hàng trăm triệu tấn và hầu hết được dùng làm VLXD. Đặc biệt, từ năm 2003, Chính phủ Trung Quốc đã có quy định cấm dùng gạch nung và mỗi năm, đất nước này cần 600 tỷ viên gạch chủ yếu từ tro xỉ nhiệt điện. Họ cho rằng, nếu không sử dụng tro xỉ, nước họ sẽ phải khai thác lượng đất sét khổng lồ làm gạch. 

Một số nước khác như Nhật Bản sử dụng 100% lượng tro xỉ, Hàn Quốc 97% (3% còn lại là than kém chất lượng). Ở Châu Âu, một số nước dùng nhiều nhiệt điện than như Đức, Ba Lan, CH Séc cũng sử dụng hầu hết lượng tro xỉ, không để lãng phí như nước ta. Tôi thấy kỳ lạ khi tro xỉ là nguyên liệu quý, nhưng nhiều người lại coi đó là chất thải nguy hại.

PV: Xin cảm ơn PGS! 


  • Theo Tạp chí Điện lực Chuyên đề Quản lý & Hội nhập